Độc đáo làng nghề đá mỹ nghệ Ninh Vân

Với đôi bàn tay, khối óc và con mắt thẩm mỹ của những người thợ cần cù ở làng nghề đá đá mỹ nghệ Ninh Vân (xã Ninh Vân, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình) vẫn miệt mài cắt các phiến đá khổng lồ để trở thành tác phẩm nghệ thuật tinh xảo.

Làng nghề đá Ninh Vân đã có khoảng 400 năm nay, để tạo nên tác phẩm “độc” đòi hỏi người thợ phải có tay nghề, thích nghi tốt với môi trường làm việc khắc nhiệt, luôn ở ngoài trời chịu nắng, bụi và tiếng ồn.

Những người phụ nữ làm nghề điêu khắc đá mỹ nghệ Ninh Vân dùng khăn che kín cả mặt để tránh nắng nóng trực tiếp. Ảnh: Vũ Thượng

Theo các cụ cao niên kể lại, xưa kia Ninh Vân đã nổi tiếng với nghề làm tượng đá cho Kinh thành và đền chùa ở Hoa Lư, từ thời các vua Đinh (968 – 980) và Tiền Lê (980 – 1009). Tính đến ngày nay thì làng nghề đá mĩ nghệ Ninh Vân cũng có lịch sử hình thành và phát triển cả ngàn năm.

Dấu ấn đôi bàn tay tài hoa của các nghệ nhân làng đá mĩ nghệ Ninh Vân để lại trên những khối đá được chế tác tinh xảo, ở những công trình nổi tiếng như: Nhà thờ đá Phát Diệm, Lăng Khải Định, Lăng Bà Chúa Liễu, tượng đài mẹ Suốt ở Quảng Bình, công trình tượng đài mười cô gái ở ngã ba Đồng Lộc (Hà Tĩnh), cụm tượng đài Bà mẹ Tổ quốc ở TP Hồ Chí Minh… Ban đầu thợ chế tác đá làm các sản phẩm đơn giản phục vụ mùa màng như cối giã, cối xay, con lăn trục lúa… Dần dần, các sản phẩm được đa dạng và phong phú hơn. Được chia thành nhóm sản phẩm phục vụ đời sống hàng ngày, nhóm chạm khắc đá mỹ nghệ và nhóm phục vụ nhu cầu tâm linh.

 

Cổng làng nghề đá mỹ nghệ Ninh Vân (huyện Hoa Lư) có quy mô đồ sộ, làm bằng những khối đá xanh cỡ lớn, được chạm khắc tinh xảo. Công trình cổng làng này hoành tráng bậc nhất ở Ninh Bình với số tiền hơn chục tỷ đồng, phần lớn là nguồn ngân sách Nhà nước.

Trước kia, các công đoạn nặng nhọc trong nghề chế tác đá như khai thác, vận chuyển đá từ trên núi, xẻ đá, mài, đục… làm hoàn toàn thủ công, nên nghề làm đá vất vả, số lượng sản phẩm làm ra hạn chế. Ngày nay, với sự hỗ trợ của máy móc đã tăng năng suất lao động lên nhiều lần.

Hiện nay, làng đá mĩ nghệ Ninh Vân đã có đến 80 doanh nghiệp, khoảng 1.600 hộ chế tác đá và trên 3.000 lao động chuyên làm nghề đá mỹ nghệ, ngoài ra còn một lượng lớn lao động thời vụ vào những lúc cao điểm.

Trong đó, hộ kinh doanh do anh Lương Văn Quảng làm chủ, là một trong những cơ sở có đăng ký kinh doanh tiêu biểu. Cơ sở chế tác đá của anh Lương Văn Quảng khoảng chục lao động cả nam, nữ với mức lương 6 đến 7 triệu đồng/tháng.

 

Bộ tranh đá tứ quý 4 mùa thể hiện của sự đầy đủ, hạnh phúc, sung túc và trường tồn cũng như tứ phương, tứ trụ, tứ đức. Tranh tứ quý thường được đại diện với 4 loại cây: Tùng Cúc Trúc Mai – đây là bốn loại cây thể hiện nét khí chất của người quân tử, cốt cách thanh cao, kiên cường và sự chí khí. Cây Tùng: hiện thân của đấng hào kiệt, trượng phu, giữ bình an cho gia đình, xua tan tà khí; Hoa Cúc: giúp thu hút mang tài lộc, phúc thọ, giúp cuộc sống gia đình luôn bình yên và may mắn; Cây Trúc: là loài cây biểu tượng của người quân tử, tuy cứng rắn nhưng vẫn có nét mềm mại, dù đổ mà không gãy. Trúc đại diện cho tinh thần an nhiên, không ham mê quyền vị, vật chất; Hoa Mai: thanh khiết, tinh khôi và có sức sống mãnh liệt và là hình ảnh đại diện cho giai nhân.